Vài nét về “Bảo Lộc”
Bảo lộc, trước đây là một vùng đất rộng lớn từng được biết đến với tên gọi B’lao, là địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc Mạ. Ngay từ giữa thế kỷ XIX, trong quá trình mở mang bờ cõi nhà Nguyễn đã thiết lập các phủ, huyện, các thuộc để quản lý các vùng đất này. Vào những năm 1877, Nguyễn Thông đã từng dâng sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du Sơn quốc nhưng không thành (trong đó có vùng đất Di linh). Đến năm 1893, bác sĩ Alexandre Yersin khảo sát vùng cao nguyên Lâm Viên đã tìm ra Đà Lạt và cùng lúc phát hiện ra vùng đất B’lao. Vùng đất B’lao đã được người Pháp đặt vấn đề khai thác sớm cùng một lúc với việc xây dựng đô thị Đà Lạt. Năm 1899 một phái đoàn người Pháp do ông Ernest Outrey chỉ huy, mở cuộc thám hiểm tìm hiểu khả năng vùng Đồng Nai Thượng và vạch một con đường nối liền vùng này (Djiring) với Bình Thuận (Phan Thiết).
Ngày 1/11/1899, toàn quyền Paul Doumer ký quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut Donnai) trong đó bao gồm vùng đất B’lao và đặt tỉnh lỵ tại Djiring. Đến năm 1905, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, Djiring và B’lao lại được sát nhập vào tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1920 Tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut Donnai) lại được tái lập với 3 đại lý hành chính: 3 quận B’lao (Bảo Lộc), quận Djiring (Dilính) và Quận Dran Fyan (Đơn Dương). Tỉnh Đồng Nai Thượng vẫn đặt tỉnh lỵ tại Djiring (Di Linh). Lúc này địa giới B’lao rất rộng, bao gồm một phần đất thuộc quận Tánh Linh (Bình Thuận), một phần đất thuộc Quận Định Quán (Long Khánh).Cùng thời gian này, năm 1916 Đà Lạt trở thành tỉnh ly của LangBiang.
Cho đến năm 1950, Bảo Đại tách tây nguyên thành lập Hoàng triều cương thổ trực thuộc quốc trưởng, bộ máy hành chính B’lao vẫn giữ chức trách một đại lý hành chính của chính quyền thuộc địa. Đến ngày 19/5/1958, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng, sau đó ngày 30/6/1958 tách quận Dran (Đơn dương) ra khỏi tỉnh Lâm Đồng sát nhập vào tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng còn 2 quận: B’lao đổi thành Bảo Lộc và Djiring thành Di Linh. Địa giới tỉnh, quận vào thời gian này cũng có sự điều chỉnh. Quận Bảo Lộc cắt một phần đất giao cho Tánh Linh của tỉnh Bình Tuy, một phần giao cho quận Định Quán của tỉnh Long Khánh. Quận Bảo Lộc còn từ Madaguoil (Dahuoai hiện nay) trở lên. Cũng từ thời điểm năm 1958 trở về sau, mãi cho đến năm 1979 địa danh B’lao không còn trên các văn bản hành chính. Ngày 30/11/1958 Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng. Tên gọi Bảo Lộc chính thức thay thế tên B’lao từ ngày 19/2/1959. Công việc kiến thiết mở mang đô thị mới cũng bắt đầu phát triển mạnh từ thời gian này.
Cư dân ở vùng đất B’lao Bảo Lộc ban đầu chủ yếu là người dân tộc bản địa Mạ và Kơ Ho, trong đó người Mạ chiếm đa số. Địa vực của người Mạ từ xa xưa đã ở trong vùng Cát Tiên – Dateh trở xuống phía Đồng Nai. Khi có vương quốc Phù Nam, người Mạ mới thiên cư lên vùng Cao nguyên Di Linh địa phận Bảo Lộc, Bảo Lâm ngày nay. Dân tộc Mạ là một cộng đồng người thống nhất, có một tên gọi chung, một ngôn ngữ chung và ý thức chung. Bên cạnh việc bảo lưu những giá trị văn hóa vật thể đặc sắc dân tộc Mạ còn giữ gìn một kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian rất phong phú với nhiều truyền thuyết, thần thoại, cổ tích, dân ca, gian dao nhiều nhạc cụ cổ truyền phong phú như đàn đá, chiêng…
Cư dân người kinh ở B’lao vào thời kỳ ban đầu hầu như không đáng kể. Mãi đến năm 1930, B’lao mới chỉ có khoảng 8 gia đình người kinh. Năm 1936 có 20 gia đình. Môi trường dần được cải thiện nên công nhân từ các nơi đến lập nghiệp ngày càng đông,nhất là người bắc sau khi đã mãn hợp đồng ở Cămpuchia không về xứ mà tìm lên B’lao… Năm 1930 Nha Khảo cứu Đông Dương thành lập tại Công Hinh (B’lao) một Trung tâm thực nghiệm Nông học rộng khoảng 1.000 Ha (sau trở thành Trường Quốc gia Nông Lâm Mục vào năm 1955); Quốc lộ 20 chính thức được khai trương vào tháng 7 năm 1932…
Năm 1938 đường bộ từ Sài gòn lên Đà Lạt qua đèo B’lao được hoàn chỉnh, từ đó đã tạo nên sức thu hút khá lớn dân cư vùng lân cận và kể cả việc tuyển mộ công nhân. Những năm sau đó hệ thống các đồn điền chè đã mọc lên khá tập trung tại khu vực Bảo Lộc… Năm 1940 tiếp nhận thêm 20 gia đình, năm 1942, tiếp nhận thêm 80 gia đình. Những hộ này được bố trí tập trung tại khu vực trung tâm thực nghiệm nông học và các đồn điền trà. Nhìn chung, trong thời kỳ 1945 – 1954, xây dựng cơ bản trên đất Lâm Đồng không đáng kể do cuộc chiến ngày càng bất lợi cho người Pháp…ở các vùng Djiring, B’lao, việc xây dựng hạ tầng phát triển đơn điệu, ít được đầu tư…đường giao thông chỉ là những con đường đất từ trung tâm thực nghiệm đến các đồn điền trà lân cận…
Đến tháng 9/1954 một sổ lớn đồng bào di cư được đưa đến định cư nâng tổng số dân lên đến 15.000 người. Sau đợt di cư, B’lao có khoảng 50 cơ sở trồng trà và đồng bào đến định cư đã lập thêm 6 làng: Tân Phát, Tân Thanh, Thánh Tâm. Tân Hà, Tân Bùi, Lam Sơn, sau này thành 5 xã. Cho đến năm 1957 dân số B’lao đã tăng nhanh, lên đến 37.832 nhân khẩu, trong đó người dân tộc là 16.517 người. Đến trước năm 1975 số dân B’Lao có 76.000 người, trong đó có 27.000 người dân tộc, đa số là người Mạ. Năm 1979 có 77.513 người; năm 1989 có 128.587 người; năm 1999 có 135.701 người.
Cơ sở hạ tầng ở Bảo Lộc chỉ được phát triển ở mức độ từ sau năm 1958, sau khi dời tỉnh lỵ từ Di linh về Bảo Lộc, trong đó có thể thấy một số công trình sau: Tòa hành chính tỉnh xây dựng và hoàn thành năm 1959; chợ cũ nằm gần Quốc lộ 20 bị cháy năm 1959 được xây dựng lại tại khu vực mới hiện nay hoàn thành vào năm 1961 nhà máy đèn Bảo lộc xây dựng năm 1957, nhà máy nước xây dựng năm 1962; 1960 bưu cục chính thức Bảo lộc được xây dựng. Từ năm 1963, bộ mặt Bảo Lộc đã khang trang hơn sau gần 4 năm xây dựng. Hệ thống đường nội thị bắt đầu được trải nhựa. Trong năm 1965, ở đây đã tiến hành sửa chữa và mở thêm một số tuyến đường từ trung tâm thị xã tới các xã như đường Thiện Lập, Tân Phát, Tân Rai, đường liên ấp Lam Sơn – Thiện Lập, đường Konhinđa, đườngThanh Hương, Thanh Xuân…Sân bay Bischenée được sửa chữa tu bổ năm 1964, sân bay Lộc Phát xây dựng năm 1966 phục vụ mục đích quân sự…
Trước năm 1975, nhìn chung kinh tế của Bảo Lộc phát triển chủ yếu là ngành sản xuất chế biến chè. khai thác gỗ và lâm sản.Với ưu thế có một lịch sử khá lâu đời của cây chè, Bảo lộc có mấy chục nông trướng, đồn điền chè lớn nhỏ, vài chục cơ sở chế biến chè trên địa bàn hàng năm cung cấp một sản lượng chè đáng kể cho thị trường trong và ngoài nước. Các ngành nghề sản xuất khác như chăn nuôi gia súc, trồng dâu nuôi tằm, trồng và chế biến cà phê, hoạt động tiểu thủ công nghiệp khác chưa phát triển mạnh mẽ do nguyên nhân chiến tranh song cũng cho thấy những tiềm năng triển vọng của nó vào thời gian sau này.Hoạt động văn hóa và thiết chế văn hóa trên địa bàn Bảo Lộc trước 1975 hầu như chưa có gì. Những năm 1958 – 1960, ở Bảo lộc đã hình thành mtộ rạp hát tư thiết kế bằng gỗ mang tên người chủ Lâm Đô nằm ở địa bàn phường B’lao ngày nay, bên cạnh quốc lộ 20, chủ yếu đón các gánh hát cải lương ở Sai gòn về biểu diễn phục vu.., một sân tennis ở gần rạp hát chủ yếu cho công chức giải trí. Về sau vào những năm 1970 một rạp chiếu phim mang tên Hoàng Huê có sức chứa 500 người được xây dựng ở khu chợ mới, trên đường Lê Hồng Phong, gần trung tâm văn hóa ngày nay được coi là thiết chế văn hóa giải trí duy nhất ở Bảo Lộc bấy giờ. Ngoài ra còn có một số cơ sở in typô của tư nhân, vài nhà sách đáp ứng nhu cầu của địa phương.
Thị xã Bảo lộc ngày nay là một trong sổ 11 huyện, thành, thị xã thuộc tỉnh Lâm Đồng, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, công nghiệp xếp vào vị trí thứ hai của tỉnh Lâm Đồng sau thành phố Đà Lạt. Thị xã Bảo Lộc nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng, trên cao nguyên Di linh – Bảo Lộc, ở độ cao 800 mét so với mặt biển, gắn với trục quốc lộ 20 nối liền thành phố Hồ Chí Minh và Bảo Lộc; phía Bắc. phía Đông và phía Nam giáp huyện Bảo Lâm; phía Tây và Tây Nam giáp huyện Đa Huoai. Với diện tích tự nhiên 232.4 km2, Thị xã Bảo Lộc có 11 đơn vị hành chính gồm 6 phường (Phường 1, phường 2, phường B’Lao, Lộc Phát, Lộc Tiến, phường Lộc Sơn) và 5 xã : Lộc Nga, Lộc Châu, Lộc Thanh, Đại Lào, xã ĐamBri.
Bảo Lộc có khí hậu quanh năm mát mẻ. không quá lạnh, cũng không quá nóng, nhiệt độ trung bình 22 – 24 độ C, Bảo lộc có lượng mưa khá lớn (2.762 mm), không có tháng nào không có mưa. Biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn, trung bình là 10-30 độ C. Sương mù xuất hiện ở Bảo Lộc nhiều nhất tỉnh do độ ẩm cao, trung bình mỗi năm có 85 ngày có sương mù tập trung vào những tháng cuối mùa mưa. Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh như đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình (S’pung)… cùng với những đồi trà thoai thoải xanh mượt mà làm cho Bảo Lộc càng thêm xinh tươi, trù phú.
Sưu Tầm