Ý nghĩa tên gọi Nha Trang cũng giống như mọi thứ trên thế giới này, tất cả đều có một câu chuyện. Và bạn có biết ý nghĩa tên gọi Nha Trang như thế nào không?
Nha Trang (Khánh Hòa) nằm ở vùng biển Nam Trung Bộ, rất nổi tiếng với không chỉ du khách trong nước mà còn thu hút rất đông khách nước ngoài. Đường bờ biển dài, bãi cát trắng mịn, nhiều hòn đảo thần tiên, dịch vụ lưu trú sang trọng cùng một sân bay quốc tế là những lý do chính khiến thành phố biển níu chân được nhiều du khách. Vậy đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao thành phố biển này có tên gọi là Nha Trang?
1) Ý nghĩa tên gọi Nha Trang từ tiếng cổ
Nha Trang xưa kia nằm ở trung tâm nền văn hóa Chăm pa và từ “Nha Trang” được cho là biến thể từ “Eatrang”, “Yatrang” hay “Jatrang”. Theo tiếng thổ âm của người Chăm, “ea”, “ya” hay “ja” đều có nghĩa là “dòng sông”. Còn “trang” có nghĩa là “lau sậy”. Xa xưa, khu vực này có nhiều lau sậy mọc đầu hai bên bờ sông. Hoa lau nở trắng một vùng, cảnh tượng tuyệt đẹp. Người dân đã gọi vùng đất của mình là “dòng sông lau sậy”. Về sau, người Việt đọc chệch thành Nha Trang cho tiện miệng thay vì đọc âm đôi “ea” hay “ya” như tiếng cổ.
Ý nghĩa tên gọi Nha Trang từ tiếng cổ
Cách giải thích này có tính hợp lý, vì ngày xưa dọc theo bờ sông Nha Trang, lau sậy mọc um tùm, hoa lau nở trắng một vùng. Mãi cho sau này, từ năm 1653 đến giữa thế kỷ 19, Nha Trang vẫn là vùng đất hoang vu.
2) Ý nghĩa tên gọi Nha Trang theo dòng lịch sử
Nha Trang là cái tên chính thức được xác nhận từ năm 1653 khi người Việt đặt chủ quyền lên vùng đất này. Từ một xóm chài ven biển, hoang sơ thưa thớt bóng người thì đến nay đã phát triển vượt bậc. Trong dòng chảy của sự phát triển và lịch sử đó, không thể không nhắc tới cái tên nhà bác học Yersin, người đã sống và cống hiến cuộc đời cho khoa học tại Nha Trang.
Ý nghĩa tên gọi Nha Trang theo dòng lịch sử
Vào những năm 1890, bác sĩ Yersin (người Pháp) rời đất nước của mình tới Đông Dương để chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ trên tàu Volga, một tàu hàng tuyến Sài Gòn – Manila. Trong một lần đi dọc bờ biển Việt Nam, ông đi ngang và dừng lại ở Nha Trang, một vịnh biển xinh đẹp như ở miền Nam nước Pháp. Sau đó, ông quyết định định cư hẳn ở vùng duyên hải này, mở viện Pasteur Nha Trang và Trại chăn nuôi Suối Dầu để nghiên cứu vắc xin, mở phòng khám chữa bệnh cho người dân.
Căn nhà của ông khang trang, dựng trên đỉnh đồi với lối kiến trúc đặc trưng kiểu Pháp. Toàn bộ căn biệt thự được sơn màu trắng toát, nổi bật giữa vùng dân cư đơn sơ, mộc mạc, nhà tranh vách đất. Thời điểm này, tàu đánh cá và những tàu buôn nước ngoài thường theo đó định hướng lối đi vào cảng. Có lần, tàu nước ngoài đi ngang qua đây hỏi phiên dịch đây là vùng đất nào? Anh ta không biết nhưng thấy có ngôi nhà màu trắng nên gọi đại là Nhà Trắng. Vì tiếng nước ngoài không có dấu nên đọc thành Nha Trang. Tuy giả thuyết này kém thuyết phục hơn nhưng nó vẫn tồn tại vì một phần ý nghĩa có trong nó.